Đã nửa triệu năm kể từ lần đầu tiên giải phẫu được ra đời cho đến ngày nay. Lịch sử giải phẫu qua rất nhiều giai đoạn đã thay đổi như thế nào? Cùng EasyMed – Trung tâm tiếng Anh Y Khoa cùng tìm hiểu về căn nguyên gốc rễ của giải phẫu nhé!
Theo nghĩa rộng, giải phẫu bệnh là môn học nghiên cứu về bệnh tật, và ý niệm về bệnh tật thì không ngừng thay đổi trong suốt lịch sử phát triển của nhân loại, kể từ khi con người bắt đầu xuất hiện trên mặt đất này cách đây nửa triệu năm. Vào thuở hồng hoang, người nguyên thuỷ tin rằng bệnh tật xảy ra là do con người đã phạm phải các điều cấm kỵ, làm phật ý thần linh hoặc bị kẻ thù trù ếm… cho nên để khỏi bệnh thì phải xưng thú tội lỗi, thực hiện một số nghi lễ cúng tế hoặc trừ tà nào đó; còn nếu chẳng may bị thương trong khi săn bắt thì chỉ biết chữa bằng cách đắp lá hoặc le lưỡi liếm láp !…
Người nguyên thuỷ sống trong hang động, khi bị thương thì được chữa bằng cách … liếm láp !
Người Ai cập cổ đại đã thực hiện hàng triệu trường hợp ướp xác mà trong đó, các nội tạng đều được lấy ra khỏi cơ thể người chết, nhưng không có bất kỳ ghi chú nào về quá trình thực hiện việc đó được lưu lại. Người Hy lạp cổ đại cũng không có ý niệm nào rõ rệt hơn về nguyên nhân và cơ chế phát sinh bệnh tật, ngoài một vài quan sát giản đơn về các vết thương và u bướu.
Một thầy thuốc Hy lạp cổ đại được biết đến nhiều nhất có tên là Hippocrates, được xem là ông tổ của Tây Y; ông sinh vào năm 460 trước Công nguyên (Tr CN) tại đảo Cos, vùng Tiểu Á. Hippocrates tin rằng con người được tạo thành từ 4 yếu tố là khí, nước, lửa, và đất, tương ứng với 4 loại thể dịch trong người là máu, chất nhầy, mật vàng và mật đen; bệnh tật là do sự mất cân bằng của 4 loại thể dịch này và có tác động lên toàn thể con người chứ không riêng ở một cơ quan nào. Là người theo chủ nghĩa kinh nghiệm, ông luôn yêu cầu các học trò phải đặc biệt chú trọng đến khâu hỏi bệnh và thăm khám bệnh nhân để có biện pháp chữa trị thích hợp.
Hippocrates đang chữa bệnh dịch hạch tại thành Athens; một mảnh giấy cói được viết vào năm 275 sau công nguyên, ghi lại lời thề Hippocrates.
Trong điều trị, ông thực hiện được một số thủ thuật ngoại khoa như xử trí vết thương, nắn xương gãy, trích máu, tẩy xổ và bào chế một số thuốc có nguồn gốc từ khoáng chất, thảo mộc và động vật. Dĩ nhiên với cách luận bệnh và phương tiện điều trị như vậy thì có lẽ không có mấy bệnh được chữa khỏi, như ông đã thừa nhận: “Một thầy thuốc chân chính chỉ đôi khi chữa khỏi bệnh, thường làm bớt bệnh nhưng luôn biết an ủi bệnh nhân”. Ông nổi tiếng là người đã thiết định các nguyên tắc về y đức mà ngày nay vẫn còn được biết đến dưới tên gọi “Lời thề Hippocrates”. Ông mất năm 377 (Tr CN).
Sau Hippocrates, triết gia Hy lạp Platon (428-348 Tr CN) trong tác phẩm “Đối thoại” của mình, cũng tin con người được tạo thành từ lửa, nước, đất và khí nhưng theo ông, khí mới là yếu tố chính làm cho các bộ phận hoạt động và tạo ra sự sống.
Triết gia Aristote (384-322 Tr CN), có tinh thần thực nghiệm hơn nhưng do việc mổ xác người bị cấm nên đã dựa vào các phẫu tích động vật để suy diễn sang người, chẳng hạn ông cho rằng tim người có 3 buồng! Nửa thế kỷ sau đó tại Alexandrie của Ai cập, Hérophile và Erasistrate là những người đầu tiên dám liều thực hiện phẫu tích trên người để nghiên cứu và đã đính chính các kết luận sai lầm của Aristote; hai ông đạt được nhiều thành quả đáng kể trong lãnh vực giải phẫu học nhưng rất tiếc không được các đồng nghiệp quan tâm chú ý.
Hérophile đang mổ xác
Đến đầu thế kỷ I, một học giả La mã tên Cornelius Celsus, đã biên soạn nhiều sách về đủ mọi lãnh vực như nông nghiệp, tu từ học, binh pháp và y học. Trong bộ sách “Về y học” (De medicina), ông phân biệt bệnh tật thành 3 nhóm tuỳ theo cách chữa trị bằng chế độ ăn, thuốc hoặc phẫu thuật; ông đã mô tả triệu chứng của một số bệnh tim, tâm thần và đặc biệt đã ghi nhận đầy đủ 4 triệu chứng của hiện tượng viêm là sưng, nóng, đỏ và đau.
Cornelius Celsus
Bước sang thế kỷ II, một thầy thuốc La mã khác tên Claudius Galen (130-200), là người phụ trách chăm sóc sức khoẻ cho các võ sĩ giác đấu, nhờ vậy có điều kiện quan sát một số loại tổn thương. Ông cho rằng bệnh tật xuất phát từ tổn thương của một cơ quan, một tạng nào đó; nhưng vẫn giữ lại quan niệm rối loạn thể dịch của Hippocrates. Ông viết rất nhiều sách nghiên cứu về giải phẫu học, sinh lý học, dinh dưỡng học, triết học. Ông có nhiều người hâm mộ trong đó có Hoàng đế La mã Marcus Aurelius, người đã khen ngợi ông là bậc nhất của các thầy thuốc và triết gia.
Claudius Galen
Do đạt được uy tín quá lớn như vậy nên các sách giải phẫu học của ông đã được xem là chân lý và được sử dụng trong giảng dạy y khoa suốt hàng ngàn năm, đến tận thế kỷ thứ XVI; mặc dù các mô tả về giải phẫu người của ông chứa đựng nhiều sai lầm do dựa chủ yếu vào các cuộc phẫu tích trên heo, dê, vượn, voi.
Galen đang mổ heo; giảng dạy môn sinh; hướng dẫn thụt tháo bệnh nhân; Sách của Galen đã được dùng trong suốt thời kỳ trung cổ.
Trong thời kỳ trung cổ (thế kỷ V-XV), y học và triết học thường trộn lẫn với nhau. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh không có thay đổi đáng kể, phẫu tích trên người vẫn bị cấm kỵ; tuy nhiên cũng có một số tiến bộ cần phải ghi nhận như việc thành lập các bệnh viện từ thế kỷ IV, khởi đầu tại Syri rồi lan rộng khắp Đế quốc Byzantin; sự ra đời của các trường đại học y khoa từ thế kỷ XII, bắt đầu tại Ý và sau đó là Tây ban nha, Anh và Pháp.
Đến thế kỷ XVI, bắt đầu thời kỳ phục hưng, hoạt động nghệ thuật và nghiên cứu khoa học kể cả y học hồi sinh mạnh mẽ. Một người Hà lan tên Andreas Vesalius (1514-1564), sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Padua Ý, đã được giữ lại làm Giáo sư về giải phẫu học. Sau nhiều năm phẫu tích tỉ mỉ xác chết, ông cho xuất bản vào năm 1543 bộ sách “Về cấu tạo cơ thể người” (De humani corporis fabrica); trong đó đã sửa lại các sai lầm của Galen. Vesalius được xem là cha đẻ của môn giải phẫu học.
Andreas Vesalius, tác giả của bộ sách “Về cấu tạo cơ thể người”
Giovani Batista Morgagni (1685-1771), một thầy thuốc người Ý, được xem là người khai sinh ra môn học giải phẫu bệnh. Tổng kết kinh nghiệm một đời làm việc, năm 79 tuổi, ông cho xuất bản cuốn sách “Về vị trí và nguyên nhân của bệnh tật, nghiên cứu bằng giải phẫu học” (De sedibus, et causis Morborum per anatomen indagatis) trong đó trình bày kết quả phẫu tích 700 trường hợp tử vong. Theo ông, mọi bệnh tật là bệnh lý của cơ quan; ở mỗi bệnh nhân, bệnh sẽ có vị trí ở những cơ quan khác nhau. Ông đã phân tích tỉ mỉ mối liên hệ giữa các triệu chứng lâm sàng của từng bệnh nhân với tổn thương đại thể quan sát được trên cơ quan. Đây thực sự là một tiến bộ trong nghiên cứu về bệnh tật, nhưng do sự hiểu biết về sinh lý học thời đó còn nhiều hạn chế nên ông vẫn không lý giải được vì sao bệnh lý của cơ quan này lại có thể tác động đến một cơ quan khác trong cơ thể.
G.B.Morgagni và cuốn sách “Về vị trí và nguyên nhân của bệnh tật, nghiên cứu bằng giải phẫu học”
Nhà giải phẫu bệnh xuất sắc tiếp theo là Giáo sư Karl Rokitansky (1804-1874), người Tiệp khắc, làm tại Bệnh viện đa khoa thành Viên của nước Áo. Được chính quyền bổ nhiệm làm người mổ khám nghiệm tử thi cho tất cả các trường hợp tử vong, ông đã thực hiện được tổng cộng 30.000 trường hợp (trung bình mỗi ngày 2 trường hợp trong suốt 45 năm!). Cùng với đồng nghiệp là Giáo sư nội khoa Joseph Skoda, ông đã đối chiếu lâm sàng với giải phẫu bệnh và đúc kết thành một bộ sách bệnh học gồm 3 tập. Thực ra, cả hai ông đều không hiểu biết đích xác về nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh, vẫn tin theo thuyết rối loạn thể dịch từ thời Hippocrates, và như vậy việc điều trị không thực sự hiệu quả; bởi thế Giáo sư Skoda thường nói với sinh viên rằng: “Chẩn đoán mới là tất cả, còn điều trị thì hãy quên đi”.
Giáo sư K.Rokitansky và J.Skoda
Rudolf Virchow (1821-1902), Giáo sư bệnh học tại Berlin, Đức; tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng lại là một nhà nghiên cứu bệnh học lớn nhất của mọi thời đại. Cuốn “Bệnh học tế bào” do ông viết năm 1858 được xem là cơ sở của môn giải phẫu bệnh hiện đại; trong đó ông đã mô tả đầy đủ các hình thái tổn thương cơ bản như phì đại, tăng sản, chuyển sản, phản ứng viêm, nhồi máu, u (Hình 10). Theo ông, nguồn gốc của mọi bệnh tật đều xuất phát từ các hoạt động bất thường của tế bào. Như vậy với Virchow, sự hiểu biết về bệnh tật đã tiến thêm một bước, từ các tổn thương cơ quan sang tổn thương ở mức độ tế bào. Ông có nhiều học trò giỏi, trong đó phải kể đến Julius Cohnheim (1839-1884), là người đã có các nghiên cứu sâu về phản ứng viêm và là người đầu tiên phát hiện ra hiện tượng xuyên mạch.
Giáo sư Rudolf Virchow và cuốn sách “Bệnh học tế bào”
Giáo sư Julius Cohnheim
Trong thời đại của Virchow, các thầy thuốc vẫn chưa hiểu biết nhiều về khả năng gây bệnh của các vi sinh vật;và Louis Pasteur (1843-1910), tuy xuất thân là một nhà hoá học, lại chính là người đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nghiên cứu bệnh học. Qua việc giải quyết thành công nhiều bệnh khác nhau như bệnh tằm gai, bệnh than ở cừu, bệnh chó dại; ông là người đầu tiên đã chứng minh có thể dùng phương pháp thực nghiệm để tìm ra nguyên nhân phát sinh dịch bệnh và từ đó có các biện pháp phòng chống thích hợp.
Từ giữa thế kỷ XX, nghiên cứu bệnh tật đã tiến sang mức độ phân tử, bắt đầu với việc tìm ra nguyên nhân các bệnh rối loạn chuyển hoá bẩm sinh. Con người đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong việc tìm hiểu bản chất bệnh tật, nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh.
Louis Pasteur
Dự án giải mã bộ gen người (human genome project) – một dự án đa quốc gia khởi sự từ 1987 – đã gần như hoàn tất và đã phát hiện bộ gen người chứa khoảng 34.000 gen; một dự án khác cũng đang được tiến hành nhằm lập nên thư viện các protein người (Proteomics), xác định mạng lưới tương tác giữa các protein trong tế bào. Tham vọng của các nhà khoa học – như đã được diễn tả trong một bộ phim khoa học viễn tưởng mang tên Gattaca (1997) (Hình 13) – là chỉ cần một giọt máu lấy từ cơ thể bệnh nhân, đã có thể xác định được gen nào có cấu trúc và chức năng bị rối loạn, protein nào bị hư hỏng, từ đó có biện pháp điều trị đặc hiệu ngay tại phân tử đích này (Targeted therapy).
Phim khoa học viễn tưởng Gattaca (1997)
Ở đầu thế kỷ XXI này, dù đã có vô số tiến bộ khoa học, sự tích hợp của tin học vào mọi mặt của đời sống, sự dư thừa của cải vật chất… nhưng hình như con người vẫn không cảm thấy hạnh phúc hơn cha anh của họ. Sự bùng nổ các loại dịch bệnh mới (AIDS, cúm gà, SARS, cúm heo), vấn nạn ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của trái đất, hố sâu ngăn cách giàu nghèo, các cuộc chiến tranh lớn nhỏ, nạn khủng bố… càng làm cho con người của thời “hậu hiện đại” này cảm thấy không “khoẻ”, mệt mỏi, bất an. Người ta đang quay trở lại với quan niệm bệnh tật là rối loạn tác động lên toàn thể con người và nhận ra phần lớn bệnh tật của con người là do lối sống; chẳng hạn bệnh khí phế thũng, ung thư phổi là do hút thuốc lá, xơ gan do uống quá nhiều rượu, cao huyết áp do cuộc sống quá nhiều “xì trét”, béo phì do ăn quá nhiều thức ăn Mc Donald, gà rán Kentucky … Chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới đã nhấn mạnh rằng để có sức khoẻ và không bệnh tật thì phải có sự thoải mái, không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần và xã hội.