KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NHÓM CHĂM SÓC SỨC KHỎE
Ngày nay ngành chăm sóc sức khỏe được thực hiện trên cơ sở tiếp cận đa ngành trong chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và các nhóm y tế khác làm việc chặt chẽ cùng với nhau để cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện. Làm việc nhóm là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo người bệnh được chăm sóc liên tục, an toàn và chất lượng.
Trên thực tế, người bệnh hiếm khi được chăm sóc bởi chỉ một cán bộ y tế. Trong bối cảnh của một hệ thống chăm sóc sức khỏe phức tạp, tinh thần làm việc đồng đội hiệu quả là điều cần thiết cho sự an toàn của người bệnh.
Một nhóm có thể gồm hai hoặc nhiều người làm việc hoặc trao đổi cùng nhau vì mục tiêu chung của nhóm trong một thời gian nhất định.
Nhóm chăm sóc sức khỏe là sự cung cấp các dịch vụ y tế cho cá nhân, gia đình và cộng đồng bởi ít nhất hai nhà cung cấp dịch vụ y tế hợp tác cùng với người bệnh và gia đình người bệnh để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh an toàn, hiệu quả và chất lượng cao.
Người bệnh luôn luôn quan tâm đến sự chăm sóc sức khỏe của chính họ. Do đó, họ phải là một thành viên của nhóm chăm sóc ngay từ đầu và xuyên suốt của quá trình điều trị. Việc tạo điều kiện cho người bệnh tham gia trong nhóm y tế đã được chứng minh là giảm thiểu sai sót và giảm nguy cơ cho người bệnh.
LỢI ÍCH LÀM VIỆC THEO NHÓM TRONG CHĂM SÓC Y TẾ
Người bệnh hài lòng hơn
Các cán bộ y tế không cung cấp dịch vụ một cách độc lập mà là các nhóm/đội đa ngành. Những đội này bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, hộ lý và các ngành nghề khác. Lý tưởng nhất là mọi cá nhân trong nhóm làm việc cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là tăng cường sức khỏe cho người bệnh và cung cấp mức độ chăm sóc cao nhất có thể.
Khi các nhóm đa ngành hợp tác và thông tin với nhau thường xuyên, họ có thể đánh giá người bệnh kỹ lưỡng hơn. Nhờ sự tương tác hàng ngày liên tục với người bệnh, điều dưỡng và các thành viên nhóm đánh giá được diễn biến của người bệnh và có thể đưa ra những gợi ý tốt nhất để quản lý chăm sóc người bệnh.
Thông tin với người bệnh được liên tục và nhất quán sẽ làm tăng sự tin tưởng và sự hài lòng của người bệnh khi nhóm hoạt động hiệu quả và mọi thành viên hợp tác tốt với nhau.
Điều dưỡng hài lòng với công việc hơn
Khi nhóm hoạt động hiệu quả và có sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, mọi thành viên trong nhóm đều được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của các thành viên trong nhóm với nhau.
Nghề điều dưỡng với những thách thức từ những ca trực kéo dài và phải thường xuyên đương đầu với các tình huống cấp cứu căng thẳng cao độ. Do vậy, điều quan trọng đối với các điều dưỡng viên là duy trì mức độ hài lòng cao trong công việc để giảm stress. Một báo cáo nghiên cứu của Hiệp hội quản lý nguồn nhân lực đã công bố làm việc nhóm có liên quan chặt chẽ với sự hài lòng công việc.
Một nhóm hiệu quả là nhóm mà các thành viên trong nhóm, bao gồm cả người bệnh cùng phối hợp trong việc ra các quyết định chăm sóc và điều trị cho người bệnh, cũng như thông tin giữa các thành viên trong nhóm luôn luôn suôn sẻ và người bệnh được thông tin đầy đủ về các công việc sẽ diễn ra để cùng phối hợp với các cán bộ y tế.
Tăng trách nhiệm nghề nghiệp
Tầm quan trọng của thông tin giao tiếp và làm việc nhóm đang được công nhận rộng rãi hơn trong ngành chăm sóc sức khỏe. Các tổ chức giáo dục đang nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đồng đội và giao tiếp để xây dựng một nền tảng vững chắc hơn cho kết quả chăm sóc sức khỏe thành công.
Việc kết hợp các trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong nhóm trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe mang lại lợi ích lớn cho cả người bệnh và cán bộ y tế. Tuy nhiên, trong thực tế, việc hợp tác trách nhiệm mà không có tinh thần đồng đội chất lượng cao có thể dẫn đến rủi ro ngay lập tức cho bệnh nhân. Ví dụ, giao tiếp kém và ngắt quãng giữa các thành viên trong nhóm chăm sóc có thể dẫn đến sự cố y khoa do nhầm người bệnh, nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật đã xảy ra trong thực tế ở nhiều cơ sở y tế. Hơn nữa, việc hợp tác nhóm kém cũng có thể dẫn đến sử dụng các nguồn lực y tế một cách lãng phí và không kiểm soát được chi phí.
Chăm sóc sức khỏe là một nghề đa ngành, trong đó các bác sĩ, điều dưỡng và các cán bộ y tế từ các chuyên ngành khác nhau phải làm việc cùng nhau, mỗi người có kiến thức chuyên môn và chịu trách nhiệm cho các nhiệm vụ khác nhau. Các nhóm đa ngành này được thành lập để giải quyết các vấn đề sức khỏe của các cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Làm việc theo nhóm và đào tạo nhóm hiện được xem là một phần thiết yếu của giáo dục y khoa. Dạy cho sinh viên các nguyên tắc cơ bản của làm việc nhóm và chăm sóc hợp tác giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nhu cầu của bệnh nhân – đặc biệt là trong các lĩnh vực có nhiều vấn đề xã hội và sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sinh viên bắt đầu sử dụng các nguyên tắc làm việc nhóm trong giáo dục dựa trên vấn đề, cho phép sinh viên làm việc cùng nhau, chia sẻ thông tin và giải quyết các vấn đề lâm sàng như một nhóm.
Giảm thiểu lỗi cá nhân và tăng an toàn trong chăm sóc y tế:
Theo Bộ Y tế tại Thông tư số 19/2013/TT-BYT hướng dẫn quản lý chất lượng trong các cơ sở khám chữa bệnh đã chỉ ra 1 trong 7 nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa là thông tin giữa các thành viên trong nhóm chăm sóc y tế không đầy đủ và không kịp thời.
Trong quá trình làm việc nhóm khó có thể tránh được các sai sót của mỗi cá nhân có liên quan đến nhiều công đoạn của cả hệ thống và các thành viên trong nhóm như thành viên mới, cũ, người chăm chỉ, có người nói nhiều làm ít… Việc hỗ trợ lẫn nhau trong những thiếu sót về mặt kỹ thuật hay kinh nghiệm là điều đáng quý để giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn trong mỗi nhóm chăm sóc y tế.
Người bệnh đến khám và chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tại bệnh viện sẽ do nhiều cá nhân và bộ phận cung cấp dịch vụ, do đó thông tin giữa các cán bộ y tế với nhau để cùng chăm sóc và điều trị cho người bệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Hơn nữa, hoạt động của bệnh viện luôn ngắt quãng bởi ca kíp, ngày nghỉ, ngày lễ do đó luồng thông tin xuyên suốt quá trình điều trị sẽ đảm bảo cho người bệnh được chăm sóc liên tục và an toàn.
Tạo sức mạnh tập thể, tăng năng suất và hiệu quả của công việc
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng làm việc theo nhóm năng suất và hiệu quả của mỗi cá nhân cao hơn hẳn năng suất và hiệu quả trung bình của mỗi cá nhân khi làm việc riêng lẻ. Vì trong nhóm, khi làm việc các kỹ năng và kinh nghiệm bổ trợ lẫn nhau.Ví dụ: Trước đây (từ trước năm 2000), mô hình phân công chăm sóc người bệnh của Điều dưỡng trong bệnh viện là theo công việc. So với chăm sóc người bệnh theo nhóm như thời điểm hiện nay, rõ ràng mô hình chăm sóc theo công việc bộc lộ khá nhiều các yếu điểm như: phân công ĐD lấy máu xét nghiệm, thay băng, tiêm… mỗi điều dưỡng một công việc, ai xong trước nghỉ trước dẫn tới người bận thì rất bận, người thì nhàn rỗi mà hậu quả chung là các thành viên này chỉ biết việc của mình, không nắm được thông tin chung về NB mà mọi người cùng chăm sóc, dẫn tới khi bác sĩ hỏi thì không ai biết rõ thông tin về người bệnh. Sự chăm sóc cho một người bệnh trở nên máy móc, không có sự liên kết chặt chẽ và phối hợp với nhau giữa các điều dưỡng. Do đó vai trò của người điều dưỡng không được đánh giá cao, gây mất uy tín cho hệ thống tổ chức điều dưỡng.
Tạo môi trường làm việc học hỏi lẫn nhau
Kiến thức và kinh nghiệm của các cá nhân trong nhóm chăm sóc bổ trợ cho nhau, các quyết định chăm sóc/điều trị cho người bệnh đưa ra toàn diện và phù hợp hơn. Nhóm có thể tận dụng những gì tốt nhất của mỗi cá nhân trong công tác chuyên môn và cả ngoài chuyên môn. Các thành viên tự rút ra những gì tốt nhất để học hỏi lẫn nhau, cải thiện thái độ và ứng xử của mình.
PHÂN LOẠI NHÓM CHĂM SÓC Y TẾ
Các nhóm chính thức
Các nhóm chính thức là những nhóm được hình thành do yêu cầu tổ chức hoặc công việc và có phân công rõ ràng nhiệm vụ của các thành viên như: nhóm chăm sóc, đội chăm sóc, nhóm phẫu thuật, hội đồng chuyên môn… Các nhóm chính thức thường đưa ra những ý kiến chuyên môn theo các lĩnh vực riêng của họ.
Các nhóm không chính thức
Những nhóm người tự tập hợp lại với nhau do có chung sở thích, quan điểm, cách sống. Trong y tế các nhóm không chính thức có thể do các cá nhân tự tổ chức để giải quyết các công việc mang tính tạm thời hoặc giải quyết tình huống hoặc những vấn đề đặc biệt trong thời gian ngắn.
CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NHÓM LÀM VIỆC
Hình thành nhóm
Giai đoạn nhóm được hình thành, các thành viên tập hợp lại với nhau, mọi người đều rất giữ gìn và rụt rè. Sự xung đột hiếm khi được phát ngôn một cách trực tiếp, chủ yếu là mang tính chất cá nhân và hoàn toàn là tiêu cực. Do nhóm còn mới nên các cá nhân sẽ bị hạn chế bởi những ý kiến riêng của mình và nhìn chung là khép kín. Điều này đặc biệt đúng đối với một thành viên kém quan trọng và lo âu quá.
Giai đoạn này, nhóm phần lớn có xu hướng cản trở những người nổi trội lên như một người lãnh đạo.
Xung đột
Xung đột là giai đoạn tiếp theo. Khi đó, bè phái được hình thành trong nhóm, các tính cách va chạm nhau, không ai chịu lùi một bước trước khi giơ nanh múa vuốt.
Điều quan trọng nhất là rất ít sự giao tiếp vì không có ai lắng nghe và một số người vẫn không sẵn sàng nói chuyện cởi mở.
Sự thật là, sự xung đột này dường như là một thái cực đối với nhóm làm việc của bạn nhưng nếu bạn nhìn xuyên qua cái bề ngoài tử tế và thấy được những lời mỉa mai, công kích, ám chỉ, có thể bức tranh sẽ rõ hơn.
Giai đoạn bình thường hóa
Sau đó là giai đoạn bình thường hóa. Ở giai đoạn này, nhóm bắt đầu nhận thấy những lợi ích của việc cộng tác cùng với nhau và sự giảm bớt xung đột nội bộ.
Do một tinh thần hợp tác mới hiện hữu, mọi thành viên bắt đầu cảm thấy an toàn trong việc bày tỏ quan điểm của mình, và những vấn đề trong nhóm được thảo luận cởi mở với toàn bộ nhóm.
Sự tiến bộ lớn nhất là mọi người có thể bắt đầu lắng nghe nhau. Những phương pháp làm việc được hình thành và toàn bộ nhóm đều nhận biết được điều đó.
Giai đoạn hoạt động trôi chảy
Cuối cùng là giai đoạn hoạt động trôi chảy.
Đây là điểm cao trào, khi nhóm làm việc đã ổn định trong một hệ thống, cho phép trao đổi những quan điểm tự do và thoải mái, có sự hỗ trợ cao độ của cả nhóm đối với mỗi thành viên và với các quyết định của nhóm.
CÁC NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC NHÓM
Đồng thuận: Mục tiêu của nhóm cần được xác định rõ ràng, thảo luận và phổ biến đầy đủ cho các thành viên cùng biết để thực hiện. Để đạt được những kết quả cao nhất, các mục tiêu cần hài hòa giữa những mục tiêu chung và mục tiêu riêng.
Các thành viên mới ít kinh nghiệm cần được hỗ trợ bởi các thành viên lâu năm có kinh nghiệm.
Khuyến khích sáng tạo: Nhóm bao gồm các thành viên có sự khác nhau về quan điểm và tư duy tiến hành công việc. Có người làm việc theo chủ nghĩa kinh nghiệm và có xu hướng cản trở sự đổi mới sáng tạo. Do đó, cần phải hạn chế tính thụ động và khuyến khích mọi thành viên sáng tạo trong công việc. Muốn vậy, bạn luôn biết hoan nghênh tính đa dạng của các quan điểm và ý tưởng, để rồi lái buổi tranh luận đi đến chỗ thống nhất.
Cách ủy nhiệm trong nhóm: Sự ủy nhiệm có hai hình thức: ủy nhiệm công việc và ủy nhiệm quyền hạn để thực thi công việc. Ủy nhiệm công việc là phân nhỏ mỗi kế hoạch thành các phần việc riêng và với mục tiêu riêng, rồi phân chúng cho các thành viên của nhóm. Sau đó, phó mặc cho họ và chỉ can thiệp khi không đạt mục tiêu. Ủy nhiệm quyền hạn là sau khi tham khảo ý kiến, trao cho người được ủy quyền đầy đủ quyền để họ thực thi công việc.
Khuyến khích mọi người bày tỏ ý kiến: Người lãnh đạo cần động viên mọi người bàn thảo, ngay cả với ý kiến đối lập cũng có giá trị của nó.
Chia sẻ trách nhiệm: Bổ sung các cách thức hành động, giám sát tiến độ, sáng tạo, có tính xây dựng khi hoạt động nhóm gặp trở ngại tạm thời. Cần tạo bầu không khí thông hiểu nhau giữa các thành viên, thống nhất thông tin về tiến độ và những thay đổi đường lối làm việc.
CẢI THIỆN THÔNG TIN TRAO ĐỔI TRONG NHÓM
Trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, các bác sĩ, điều dưỡng và các cán bộ y tế khác không làm việc một mình mà làm việc với cả nhóm. Vì vậy, cải thiện thông tin giữa cán bộ y tế với nhau và giữa cán bộ y tế với người bệnh, người nhà người bệnh có vai trò rất quan trọng để đảm bảo việc chăm sóc người bệnh được hiệu quả và an toàn. Các hình thức cải thiện thông tin bao gồm:
- Giao ban tại phòng họp của khoa
- Giao ca tại giường bệnh
- Đi buồng cùng bác sĩ
- Đi buồng trong ca thường trực
- Thông tin treo ở bảng tại khoa
- Thông tin về người bệnh qua hồ sơ bệnh án, các phiếu theo dõi chăm sóc
- Thông tin qua phương tiện điện tử, mạng nội bộ
- Thông tin qua điện thoại
- Chia sẻ thông tin qua việc cùng thực hiện các quy trình chuyên môn, bảng kiểm..
- Thông tin qua phim ảnh, hội nghị…
GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CỦA NHÓM
Nhận ra các vấn đề
Toàn nhóm đang gặp khó khăn âm ỉ. Bạn muốn mọi người hợp lòng với nhau nhưng xem chừng họ đang có những bất hoà với nhau hoặc bất hòa trong toàn nhóm. Hãy đặt vấn đề xem những rắc rối này nằm ở đâu hoặc dấu hiệu không thoả lòng chung.
Trao đổi với từng người
Cần giải quyết các vấn đề cá nhân giữa các thành viên với tinh thần xây dựng. Đừng vội phản ứng với những sự việc cho đến khi bạn nắm rõ nguyên nhân. Nhóm nào cũng có những khó khăn cần vượt qua. Cần ngăn chặn kiểu “đổ lỗi” cho người khác – nếu không nó sẽ làm mất tinh thần đồng đội.
Xử sự với người gây ra vấn đề
Sau khi đã nói chuyện với người gây ra vấn đề, có thể cần có hành động xa hơn. Hãy tích cực tìm cách hàn gắn mọi mối quan hệ. Những điều lưu ý:
- Hãy nói thật những gì bạn thấy được.
- Hãy nhìn vấn đề từ góc độ của nhóm.
- Hãy lợi dụng vấn đề làm đòn bẩy chuyển đổi.
- Luôn lạc quan khi giải quyết vấn đề.
- Cần giải quyết vấn đề hơn là làm đình trệ công việc của bạn.
- Không nên cố chấp với người khó tính.
- Chớ nóng nảy với bất kỳ ai trong nhóm.
- Đừng sao lãng mục tiêu của toàn nhóm.
- Đừng vội nhờ đến sự giúp đỡ bên ngoài.
- Đừng phớt lờ trước những căng thẳng khiến vấn đề trở nên tệ hại hơn
Giải quyết mâu thuẫn
Sự mâu thuẫn cá nhân với nhau có thể mau trở thành vấn đề cho toàn nhóm.
Hãy tạo điều kiện để một hay cả hai bên trình bày với bạn để có hướng xoa dịu tình hình.
Trường hợp do lỗi điều hành của bạn, lúc ấy cần trao đổi với toàn nhóm để nói lên hướng khắc phục.
Vấn đề ở đây là cải thiện cách hành xử, tránh mang tính chất khiển trách hoặc phê phán.
Sử dụng cách giải thích vấn đề
Coi những vấn đề liên quan đến công việc như những cơ hội để cả nhóm học hỏi và cải thiện. Hãy diễn giải vấn đề để cả nhóm nhận ra chúng và học hỏi.
Có thể cử một người giải quyết vấn đề và báo cáo lại diễn biến quá trình giải quyết và kết quả giải quyết ra sao.