CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH TRẺ EM: BỆNH THỦY ĐẬU Ở TRẺ EM

I. ĐỊNH NGHĨA

Bệnh thủy đậu (Chickenpox) là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Biểu hiện lâm sàng là sốt, phát ban dạng nốt phỏng ở da và niêm mạc.

II. NGUYÊN NHÂN

Varicella Zoster là virus có nhân ADN thuộc nhóm Herpes virus. Lây trực tiếp qua đường hô hấp (các giọt nước bọt), hiếm khi lây qua tổn thương da, thời gian lây nhiễm là 2-5 ngày đầu khi bắt đầu có các triệu chứng. 

III. CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng

Lâm sàng thể điển hình

Thời kỳ nung bệnh: từ 10 – 21 ngày, trung bình 14 ngày, không triệu chứng.

Thời kỳ khởi phát:

Sốt nhẹ 37-38°C, đôi khi sốt cao 39-40°C. Nhức mỏi toàn thân, ăn uống kém.

Thời kỳ toàn phát:

Nổi nốt phỏng: thoạt đầu là những nốt nhỏ màu hồng, sau đó nổi gồ trên da, ngứa, trong vòng 24 giờ trở thành nốt màu hồng có phỏng nước trong, rất nông

Vị trí nốt phỏng: rải rác khắp nơi, hay gặp nhất là ở mặt, ngực, trên da đầu và chân tóc luôn có. Đôi khi nốt phỏng mọc ở niêm mạc khoang miệng.

Sau khoảng 4 ngày, vẩy vàng xuất hiện, khoảng ngày thứ 10 trở đi bắt đầu bong vảy, thường không để lại sẹo.

Thủy đậu thể lan tỏa:

Là thể bệnh nặng với tỉ lệ tử vong cao thường gặp ở người bệnh suy giảm miễn dịch (người bệnh ung thư điều trị hóa chất, điều trị corticoid kéo dài, người bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải), trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non…. 

Cận lâm sàng

Phân lập virus (nuôi cấy trên môi trường tế bào) bệnh phẩm là dịch nốt phỏng, máu khi đang sốt.

Huyết thanh chẩn đoán: xuất hiện kháng thể kháng virus thủy đậu (IgM) trong máu

 

Kỹ thuật PCR: Dịch nốt phỏng, họng, máu hoặc dịch não tủy tìm virus thủy đậu.

 

Biến chứng

Viêm da bội nhiễm: thường do vệ sinh không tốt, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Biến chứng thần kinh

Hội chứng Guillain-Barré

Viêm não – màng não

Viêm phổi: Thường xuất hiện vào ngày thứ 3-5 của bệnh. Biểu hiện: ho, sốt, thở nhanh, đau ngực.

Các biến chứng khác : Viêm cơ tim, viêm gan, viêm giác mạc, viêm khớp, viêm cầu thận, viêm thận, xuất huyết nội tạng, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, mất điều hòa tiểu não.

Chẩn đoán phân biệt

Hội chứng chân tay miệng

Do virus Coxsackie nhóm A gây nên, thường ở trẻ nhỏ.

Phát ban dạng nốt phỏng có xuất huyết tập trung ở da lòng bàn tay, bàn chân, gối, khuỷu, mông, ở khoang miệng. Tổn thương không hóa m ủ, khi lành không để lại sẹo.

Chẩn đoán nhờ phân lập virus hoặc kỹ thuật PCR.

Chứng ngứa sẩn

Ở giai đoạn đầu khi chưa mọc các nốt phỏng cần phân biệt với các sẩn ngứa.

Ban sẩn ngứa thường ở dạng sẩn trên da, nhưng không có ở mặt và ở da đầu (ngược lại với thủy đậu).

IV. ĐIỀU TRỊ

Điều trị triệu chứng

Nên cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi bệnh.

Tắm hàng ngày bằng nước sạch để hạn chế gây bội nhiễm các nốt phỏng ngoài da do vi khuẩn, giữ ấm về mùa đông.

Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, trẻ bú mẹ cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.

Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần (uống), cách 4- 6 giờ.

Dùng thuốc sát trùng ngoài da bôi tại chỗ: xanh methylen.

Dùng thuốc kháng histamin chống ngứa.

 

Điều trị đặc hiệu

Được chỉ định cho những trường hợp thủy đậu có nguy cơ bị biến chứng.

Acyclovir: thuốc làm giảm thời gian bệnh, giảm triệu chứng cũng như biến chứng, hiệu quả cao nhất khi dùng 24 giờ trước khi nổi bóng nước. Trẻ dưới 12 tuổi: 20mg/kg x 6h/lần x 5-7 ngày. Trẻ lớn ( >40kg ): 800mg x 5 lần/ngày x 5-7 ngày.

Ở người bị suy giảm miễn dịch hoặc có biến chứng thường dùng đường tiêm tĩnh mạch Acyclovir 10-12,5mg/kg x 8 giờ/lần trong 7 ngày.

Có thể dùng Valacyclovir (tiền chất của Acyclovir) liều 1g/lần x 3 lần/ngày trong 7-10 ngày, hoặc Famciclovir 500mg/lần x 3 lần/ngày trong 7-10 ngày.

Trong trường hợp kháng với Acyclovir cho Foscarnet 40mg/kg/lần x 3 lần/ngày trong 10 ngày.

Trong trường hợp có biến chứng bội nhiễm: Các tổn thương viêm da mủ thường do tụ cầu: điều trị bằng oxacillin (Bristopen) hoặc vancomycin.

Biến chứng viêm phổi do vi khuẩn có thể điều trị bằng kháng sinh cephalosporin thế hệ ba (Ceftazidim) hoặc nhóm quinolon (Levofloxacin) (không sử dụng kháng sinh quinolon cho phụ nữ có thai và trẻ em <12 tuổi).

Thủy đậu thể lan tỏa: Dùng Acyclovir  đường tĩnh mạch liều 30mg/kg/ngày chia 3 lần x 7 -10 ngày. Cân nhắc dùng IVIG liều cao1g/kg/ngày x 2-5 ngày

V. PHÒNG BỆNH

Phòng bệnh không đặc hiệu tại cộng đồng

Phát hiện bệnh sớm để cách ly, tránh tiếp xúc với người bệnh.

Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với trẻ bị thủy đậu.

Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.

Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.

Tiêm Globulin miễn dịch cho những người suy giảm miễn dịch khi tiếp xúc với người mắc thủy đậu, liều 0.3 ml/kg, tiêm bắp 1 lần.

 

Phòng bệnh đặc hiệu

Vaccine chống thuỷ đậu (vacxin sống giảm độc lực) có hiệu quả bảo vệ cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu. 

Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.

Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.

Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *